Dự án FIRST: Mô hình đầu tư “đến ngưỡng” cho các tổ chức KH&CN tự chủ

Thứ hai, 25/11/2019 15:58 GMT+7

Từ trước đến nay, nhiều tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) đã được thụ hưởng sự hỗ trợ đến từ nhiều dự án đầu tư khác nhau, nhưng để đầu tư “đến ngưỡng”, sao cho các tổ chức KH&CN thực hiện chuyển đổi thành công theo mô hình tự chủ, như chủ trương của Nghị định 54 của Chính phủ thì mô hình đầu tư của Dự án FIRST là hợp lý, mang ý nghĩa lớn nhất, đảm bảo cho các tổ chức KH&CN vượt lên mọi rào cản để tự chủ.


GS.TS. Vũ Thị Thu Hà – Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu.

Đó là chia sẻ của GS.TS Vũ Thị Thu Hà – Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu (KEYLAB PRT) khi đề cập đến những giá trị, lợi ích đạt được của đơn vị sau khi triển khai tiểu dự án "Nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế công nghệ chế tạo và ứng dụng vật liệu xúc tác dị thể và vật liệu nano trong lĩnh vực lọc dầu sinh học, sản xuất năng lượng vì sự phát triển bền vững" thuộc Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH&CN (FIRST). Dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ và Bộ KH&CN là cơ quan quản lý.  

Làm chủ công nghệ và thương mại hóa nhiều sản phẩm

Được biết, KEYLAB PRT là đơn vị được Ngân hàng Thế giới (NHTG) và Bộ KH&CN hỗ trợ thông qua việc thực hiện Dự án FIRST. Bà có thể chia sẻ về những kết quả cũng như yếu tố đổi mới sáng tạo (ĐMST) của tiểu dự án?

GS.TS Vũ Thị Thu Hà: Là một trong số ít tổ chức KH&CN trúng tuyển gói tài trợ của NHTG và Bộ KH&CN thông qua việc thực hiện Dự án FIRST, thuộc Hợp phần 2a, KEYLAB PRT đã nỗ lực thực hiện Tiểu dự án và đã thu được các kết quả được đánh giá là xuất sắc. Cụ thể:

KEYLAB PRT đã nghiên cứu, phát triển và xác lập được 9 cụm quy trình công nghệ với tổng cộng 20 qui trình; 13 mẫu sản phẩm và nhiều sản phẩm mở rộng khác, thuộc các hướng nghiên cứu về công nghệ chế tạo và ứng dụng vật liệu xúc tác dị thể trong sản xuất dung môi sinh học; chế tạo, ứng dụng vật liệu nano trong sản xuất pin nhiên liệu DEFC; các công nghệ mở rộng khác liên quan đến xúc tác dị thể và quá trình lọc dầu sinh học.

Đồng thời, đã đầu tư mua mới 62 đầu thiết bị, kỹ thuật hiện đại, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế, phục vụ nghiên cứu, triển khai công nghệ và sản xuất sản phẩm của Tiểu dự án. Nâng cấp, duy tu trang thiết bị sẵn có của KEYLAB PRT để không những đáp ứng nhu cầu triển khai sản xuất thử nghiệm mà còn đáp ứng nhu cầu mở rộng sản phẩm của Tiểu dự án trong lĩnh vực vật liệu mới; đã mở rộng công nhận phòng thử nghiệm Vilas.

Qua quá trình thực hiện tiểu dự án FIRST, đã đào tạo 10 tiến sỹ, 7 thạc sỹ, gửi đi đào tạo chuyên sâu 3 lượt cán bộ tại Hàn Quốc, 2 lượt cán bộ tại Pháp. Đặc biệt, đã công bố 14 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín, 17 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước; đăng ký 13 Sáng chế/Giải pháp hữu ích (trong đó, 2 sáng chế, 2 giải pháp hữu ích đã được cấp bằng độc quyền). Trên 20% số bằng sở hữu trí tuệ nêu trên đã được đăng ký bảo hộ tại Cơ quan Bằng sáng chế và Thương hiệu Hoa Kỳ.

Nhờ tài trợ của Dự án FIRST, các hoạt động ứng dụng KH&CN, thương mại hóa sản phẩm/công nghệ tại KEYLAB PRT được thúc đẩy mạnh mẽ. Đặc biệt, dòng sản phẩm mở rộng của Tiểu dự án được phát triển trên cơ sở nền tảng, bí quyết công nghệ (know-how) của chính các công nghệ/sản phẩm của Tiểu dự án, có những đóng góp lớn trong việc mang lại doanh thu cho các hoạt động của KEYLAB PRT, tạo ra một “ngân hàng” công nghệ/sản phẩm mà KEYLAB PRT có thể đưa vào khai thác trong thời gian tới.

Qua những kết quả nêu trên, có thể nói, yếu tố ĐMST có mặt trong suốt quá trình thực hiện Tiểu dự án và thể hiện trong mọi kết quả đạt được. Thực tế, KEYLAB PRT đã áp dụng phương pháp nghiên cứu khoa học phù hợp, mới so với thế giới để thực hiện hai nhiệm vụ KH&CN trong Tiểu dự án, gồm ươm tạo công nghệ chế tạo, ứng dụng vật liệu xúc tác dị thể trong sản xuất dung môi sinh học và phát triển công nghệ chế tạo, ứng dụng vật liệu nano trong sản xuất pin nhiên liệu DEFC. Nhờ vậy, các kết quả đạt được liên quan đến hai cụm công nghệ này đã có đủ tính mới, trình độ sáng tạo để có thể đăng ký bảo hộ độc quyền ở Việt Nam và trên thế giới cũng như công bố trên trên tạp chí chuyên ngành có uy tín trên thế giới.

Các sản phẩm của tiểu dự án được thương mại hóa đã đem lại lợi ích, giá trị cho đơn vị và trong đời sống xã hội như thế nào, thưa Bà?

Sự hỗ trợ của Dự án FIRST giúp KEYLAB PRT hoàn thiện rất nhiều công nghệ, sản phẩm, đã được “thai nghén”, nghiên cứu triển khai trong suốt 15 năm qua, kể từ khi thành lập. Có không dưới 10 dòng sản phẩm đã được thương mại hóa trên thị trường, nhiều công nghệ đã được chính KEYLAB PRT áp dụng trên thực tiễn, đồng thời KEYLAB PRT có đủ năng lực để triển khai ít nhất 3 dự án đầu tư ở quy mô công nghiệp, với trình độ công nghệ tiên tiến bậc nhất theo hình thức “chìa khóa trao tay”, khi có nhu cầu đầu tư.

Các hoạt động thương mại hóa sản phẩm, công nghệ, hoạt động dịch vụ, tư vấn, giúp đảm bảo 100% nhu cầu kinh phí hoạt động cho KEYLAB PRT, ngay từ năm 2019. Dự kiến đảm bảo 100% kinh phí đầu tư, không phải phụ thuộc vào đầu tư của Nhà nước từ năm 2022. Các công nghệ đã hoàn thiện trong Tiểu dự án đều đã được đăng ký bảo hộ độc quyền nên việc ứng dụng công nghệ ở quy mô công nghiệp rất thuận lợi về pháp lý. KEYLAB PRT sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt vòng đời công nghệ/sản phẩm. Nhờ đó, công nghệ luôn được hoàn thiện, nâng cấp về trình độ, quá trình sản suất sản phẩm liên tục được nâng cao về năng suất, chất lượng, giảm giá thành, nhờ đó tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, các công nghệ/sản phẩm được phát triển trong Tiểu dự án đều thân thiện với môi trường, thể hiện ở các điểm như không phát sinh phế thải thứ cấp nhờ tận thu và chế biến sâu mọi phế phụ phẩm thành các sản phẩm có giá trị, các thiết bị công nghệ đều được tích hợp với hệ thống công nghệ xử lý môi trường hiện đại, hiệu quả. Nguyên liệu sử dụng nếu có nguồn gốc tái tạo thì đều là các nguyên liệu không cạnh tranh với lương thực, thực phẩm.

Ví dụ, tính toán một cách thuần túy cơ học, chỉ một dòng sản phẩm KH&CN từ Tiểu dự án được áp dụng đại trà và/hoặc ở quy mô công nghiệp sẽ mang lại lợi nhuận ròng trực tiếp cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế không dưới ba nghìn tỷ đồng/năm, trong khi chi phí đầu tư để áp dụng kết quả xấp xỉ “0” đồng, theo đúng giá trị cơ học. Các quá trình phát triển này không những không ảnh hưởng đến môi trường mà còn góp phần giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường. Việc ứng dụng của sản phẩm như vậy còn góp phần thực hiện thành công chương trình phát triển năng lượng sạch, sử dụng hiệu quả năng lượng, chương trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa của Đảng và Chính phủ, từng bước tiếp cận Cuộc cách mạng 4.0.

Nhờ nguồn kinh phí được tài trợ từ Tiểu dự án, KEYLAB PRT đã được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, đồng bộ, cho phép nghiên cứu phát triển các công nghệ tiên tiến, tiếp cận trình độ thế giới, trước mắt là đối với lĩnh vực ứng dụng vật liệu xúc tác dị thể, vật liệu nano trong các quá trình sản xuất hóa chất và năng lượng vì sự phát triển bền vững, về lâu dài có thể mở rộng sang các lĩnh vực công nghiệp khác. Nguồn nhân lực trình độ cao có được sau khi thực hiện tiểu dự án sẽ đảm bảo cho sự phát triển lâu dài của KEYLAB PRT.

Sự thành công của Tiểu dự án FIRST đã tạo ra nhiều công nghệ nguồn, có trình độ tiên tiến, không những có thể triển khai trong nước mà còn có thể phối hợp với các đối tác nước ngoài để triển khai trong khu vực và quốc tế. Mô hình liên kết KEYLAB PRT phát triển được trong quá trình thực hiện Tiểu dự án là mô hình Tổ chức KH&CN - Doanh nghiệp/Doanh nghiệp khởi nghiệp, sẽ ra đời và hoạt động hiệu quả theo các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, góp phần làm cho các hoạt động KH&CN trong nước tiệm cận với trình độ trong khu vực và quốc tế, đồng thời mang lại hiệu quả cho nền kinh tế quốc dân.

Chính sách cần được phát triển và nhân rộng


Pin nhiên liệu DEFC – sản phẩm của tiểu dự án FIRST.

Đánh giá của Bà về việc thí điểm các chính sách ĐMST thông qua nghiên cứu KH&CN của NHTG và Bộ KH&CN thông qua việc triển khai Dự án FIRST?

Từ những kết quả thu được trong quá trình thực hiện Tiểu Dự án FIRST thuộc Tiểu Hợp phần 2a, với nội dung “tài trợ cho các Tổ chức KH&CN công lập về Kh,CN&ĐMST”, tôi nhận thấy việc triển khai thí điểm chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực tự chủ của các tổ chức KH&CN của Dự án FIRST hoàn toàn đúng đắn, đã đạt được kết quả kỳ vọng và hiệu quả thu được có sức lan tỏa trong cộng đồng.

Mô hình đầu tư của Dự án FIRST có tác động và ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các tổ chức KH&CN. Từ trước đến nay, nhiều tổ chức KH&CN đã được thụ hưởng sự hỗ trợ đến từ nhiều dự án đầu tư khác nhau, nhưng để đầu tư “đến ngưỡng”, sao cho các tổ chức KH&CN thực hiện chuyển đổi thành công theo mô hình tự chủ, như chủ trương của Nghị định 54 của Chính phủ thì mô hình đầu tư của Dự án FIRST là hợp lý nhất, mang ý nghĩa lớn nhất, đảm bảo cho các tổ chức KH&CN vượt lên mọi rào cản để tự chủ.

Nhân đây, chúng tôi bày tỏ sự mong muốn Bộ KH&CN và Chính phủ tiếp tục phát triển mô hình đầu tư như Dự án FIRST, để có thể hỗ trợ những tổ chức KH&CN khác trở thành các tổ chức định hướng thị trường và tự chủ tài chính, góp phần phát triển ngành KH&CN nước nhà, tiệm cận trình độ thế giới.

Theo Bà, để thúc đẩy phát triển hoạt động KH,CN&ĐMST, trong thời gian tới, cần có những giải pháp gì và vai trò của các bên sẽ như thế nào (nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN,…)?

Chúng ta đều hiểu, sự nghiệp ĐMST trong doanh nghiệp không phải là mục tiêu tự thân. Vì vậy, để thúc đẩy ĐMST ở doanh nghiệp nhất thiết phải có sự vào cuộc quyết liệt của các bên, trước hết là bản thân doanh nghiệp với vai trò trung tâm của ĐMST, tiếp đến là tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cần thiết cho doanh nghiệp (trường đại học, cao đẳng, trung học nghề) cùng các thiết chế hỗ trợ khác, như ngân hàng thương mại, các quỹ hỗ trợ. Doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt các tín hiệu của thị trường, hiểu rõ được tầm quan trọng của chuỗi giá trị sản phẩm trong việc mang lại giá trị gia tăng cao nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế quốc dân, từ đó chủ động thu hút, huy động sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức tín dụng để hình thành sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả hướng đến tạo ra và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường.

Các tổ chức KH&CN phải luôn năng động và sáng tạo, một mặt không ngừng nâng cao vai trò và vị thế của mình trong lĩnh vực KH&CN trên thế giới, mặt khác phải bám sát vào nhu cầu của doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm KH&CN có khả năng triển khai ứng dụng.

Nhà nước cần có những cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển hoạt động KH,CN&ĐMST một cách phù hợp, hấp dẫn, tạo động lực cho hoạt động này.

Xin trân trọng cảm ơn Bà!

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN